“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN NHẬT TUẤN!

          Qua báo Tuổi Trẻ Online lúc 08/10/2015 08:00 GMT+7, được biết nhà văn Nhật Tuấn, bào đệ của nhà văn Nhật Tiến, đã từ giã cõi đời vào lúc 18g ngày 6-10 tại TP.HCM do chứng phù nề hành tá tràng.

          Ngày 10/10/2015, lúc 10 giờ, sẽ cử hành lễ động quan và hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

          Cầu mong nhà văn Nhật Tuấn được yên giấc nghìn thu!
***
***** 
         Là người sanh ra và lớn lên ở miền Nam, tôi chỉ mới biết đến nhà văn Nhật Tuấn từ năm 1994, khi nhà xuất bản Văn học xuất bản tập truyện "Quê nhà Quê người" của ông viết chung với nhà văn Nhật Tiến.
          Nhà văn Nhật Tiến, bào huynh của ông, với những Thềm hoang (Đời nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương toàn quốc 1962), Chim hót trong lồng (nhật ký, Huyền Trân, 1966), Lá chúc thư (Huyền Trân, 1971), Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân, 1973)… đã trở thành là một phần không thể thiếu trong tuổi học trò trong trẻo của chúng tôi.

           Rồi lại nghe thêm chuyện "lùm xùm" quanh "Quê nhà Quê người" của 2 anh em ông:
            Sau đó, trên blog cá nhơn "Thời 2 Đ: Thời đồ đểu, điên đảo, điếm đàng, đĩ điếm, đơn độc" của ông, ông có "30 tháng 4 - chuyện bây giờ mới kể", Có mấy chi tiết mà bào huynh của ông phải "đính chính""sự kiện  xẩy ra đã gần 40 năm, chuyện nhớ sai cũng là bình thường nhưng cũng  xin đính chính để tránh gây ngộ nhận."

           Trước giờ di hài của ông được trở về với tro bụi, tôi xin mạn phép được dẫn lời một facebooker:

            "Nhà văn Nhật Tuấn thuộc nhóm trí thức đi từ Bắc vào Nam, ở cả sáng tác văn học và báo chí của ông, chúng ta đều thấy tính phóng khoáng của người từng trải, phải sống giữa “thời đồ đểu” (chữ của ông); thấy cả giọng bất mãn của một người có lòng, biết yêu thương con người; và thấy cả sự tức giận của một con người có chí khí, thẳng tay tố cáo những cái xấu đang diễn ra trong nước."

           Như một nén nhang lòng thay lời vĩnh biệt , kính tiễn ông về cõi vô biên!
          




Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

CHỈ CẦN "MẤY ỔNG THÔNG CẢM"!

            AI DÁM BẢO THỦ TỤC QUẢN LÝ XÂY DỰNG CỦA NHÀ NƯỚC TA LÀ LỎNG LẺO HAY QUAN LIÊU, ... AI DÁM BẢO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TA LÀ "LÀM KHÓ CHO DOANH NGHIỆP!

           HÃY COI ĐÂY: "... Cho xây dựng trước giấp phép cũng có, mấy ổng thông cảm, mấy ảnh nói thôi cứ làm đi rồi giấy phép sẽ cấp sau, cho nên mình thấy đấy là 1 cái rất là tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp …"





Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

VĨNH BIỆT THẦY ĐOÀN THẾ NHƠN!


          Mấy  hôm nay một số trang mạng đưa tin nhà văn Võ Phiến hoặc Tràng Thiên là bút danh của Thầy Ðoàn Thế Nhơn - nhà văn ở miền Nam trước năm 1975 đã qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Hai 28 tháng 9 năm 2015, tại bang California - Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
 CÁO PHÓ của gia đình nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn)
       (Coi ở đây)
          Mặc dầu tùy bút và tạp văn  của ông đã được Nhà nước VN XHCN cho xuất bản 2 tác phẩm là Quê hương tôi Tạp văn Tràng Thiên, dưới bút hiệu Tràng Thiên, nhưng, theo báo “Nhân Dân”, “Cơ quan Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam” thì “Văn nghiệp của Võ Phiến khá phức tạp …”.

          Kẻ  nói nầy, người nói khác, “bỉ viết thị, thử viết phi”, nhưng nói gì thì nói, ông vẫn là một nhà văn nổi danh, khá nhiều người biết tiếng. Đối với tôi, so với những người đồng trang lứa, là một trong số, có lẽ không nhiều, người biết đến ông sớm nhứt. Biết đến ông khi tôi vừa  6, 7 tuổi, tôi biết đến ông, không phải là một nhà văn mà là Thầy giáo Đoàn Thế Nhơn.

          Chuyện là như vầy. Tuy không phải là đích tôn của ông Cố, ông Nội, nhưng tôi là đứa cháu trai lớn nhứt nên gia đình rất quan tâm chăm sóc. Riêng việc học chữ, từ vỡ lòng đến lớp Tư (lớp 2 bây giờ) gia đình tự chỉ dạy và cho đến học ở nhà một ông giáo làng, cách nhà khoảng 200 mét, chớ không cho đến trường. Cho nên, khi biết đọc, biết viết, tôi chỉ được đọc sách báo có ở nhà. Được một cái, về báo thì Ba tôi đặt báo tháng, tờ nhựt báo (ở nhà kêu là “nhựt trình”) “Cách mạng Quốc gia”, hồi đó tôi không quan tâm gì đến tin tức, xã luận mà chỉ thích truyện “Phong Thần”, “Lỗ Bình Sơn” và truyện trinh thám của Phạm Cao Củng, ... Về tạp chí thì có tuần san (hay bán nguyệt san hoặc nguyệt san, tôi không nhớ chánh xác) “Hương quê”, với những truyện ngắn của Bình - nguyên Lộc, với những phóng sự về cuộc sống, sanh hoạt của đồng bào “Nam kỳ - Lục tỉnh” của Trường Cao Phong, … Về báo ảnh thì có “Thế giới tự do”, được phát không, do Ba tôi, nhờ làm công tác Thông tin mà có được,  đưa về, … Về  sách vở của Bác và Ba tôi để lại khá nhiều, đa phần là sách vở bằng  giấy “củ lang”, loại giấy sản xuất bằng thủ công, thô, nhám như “bánh tráng củ lang”, trong thời kháng chiến. Ấn tượng nhứt là mấy quyển vở học môn Quốc văn của Bác tôi có ghi “Thầy: Đoàn Thế Nhơn, Trò: Trần Minh Triết”. Tôi ấn tượng và còn nhớ mãi đến bây giờ là do ở đó có mấy bài bình giảng về tác phẩm “AQ Chính truyện của Lỗ Tấn”. Bây giờ biết rồi thì không thấy lạ chớ hồi đó AQ, một cái tên thấy rất là kỳ, tôi phải hỏi Ba tôi, được ông cho biết đó là tên của 1 tác phẩm của 1 ông nhà văn Ba Tàu.

          Đấy, tôi biết về Thầy giáo Đoàn Thế Nhơn là như vậy. Sau này mới biết thêm ông là công chức khi ông đảm nhận chức vụ Trưởng Ty Thông tin Bình Định lúc Ba tôi làm nhơn viên ngành Thông tin của Chánh quyền VNCH. Rồi sau nữa là “nhà văn”, là “gián điệp”, là “biệt kích”,… đến lúc nầy thì nhiều người biết nhiều và biết rõ hơn tôi rất nhiều! …

          Bây giờ, ông vừa qua đời thì người học trò học môn Quốc văn của ông, khi ông dạy học ở trường  Trung học Bình dân thời Việt Minh, là Bác tôi đã mãn phần hơn 4 năm!

          Xin được thắp một nén tâm nhang để kính vĩnh biệt Thầy Đoàn Thế Nhơn!
          Nguyện cho Hương linh Cụ Phật tử Pháp danh Nhật Trí được Vãng sanh về Phật quốc!